Thị trường game Đài Loan, Ma Cao và Hồng Kông có đang lệ thuộc vào Trung Quốc?
Ba khu vực Đài Loan, Ma Cao và Hồng Kông được cho là có nhiều điểm tương đồng về game với thị trường Trung Quốc. Điều đó khiến nhiều người nghĩ về một sự lệ thuộc tất yếu.
Xét một cách chung nhất mà không đi quá sâu về yếu tố chính trị, hiện nay, Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan trên danh nghĩa đều thuộc Trung Quốc, được gọi với tên là ‘các khu tự trị’. Về thị trường game, do có yếu tố đồng dạng về ngôn ngữ, văn hóa nên mảng game giữa các khu vực ít nhiều có những điểm tương đồng nhất định, theo đó cả ‘gu’ thưởng thức của người chơi nữa. Không phủ nhận nhiều game tại đại lục thường được phát hành như một sự mặc định ở 3 khu vực kia nói trên.
Theo dữ liệu được Newzoo công bố, có khoảng 14,5 triệu game thủ chơi game mobile ở Đài Loan với tổng dân số chưa đến 24 triệu. Điều đó có nghĩa là, hơn 60% người Đài Loan là chơi game mobile. Theo báo cáo của AppAnnie, quy mô thị trường của Đài Loan đứng thứ 5 trên thế giới sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là một thị trường rất lớn. Thị trường Hồng Kông tương tự, mặc dù quy mô nhỏ hơn, nhưng cũng sở hữu hàng triệu dân chơi game mobile thường xuyên và khả năng nạp game tương đối mạnh.
Hồng Kông và Đài Loan thường là 2 thị trường với nhiều điểm gần gũi nhau, là các khu vực nói tiếng Trung Quốc. Tại đây, và cả Ma Cao nữa, game thể loại nhập vai MMO và thẻ bài (card game) vẫn là chủ đạo. ASA đã công bố 100 tựa game phổ biến nhất tại các khu vực này và không bất ngờ khi 2 dòng trên chiếm tỉ lệ cao nhất. Trong nhiều tin bài trước đây, chúng tôi cũng giới thiệu thường xuyên các tựa game sau khi phát hành ở đại lục đều ra mắt ở các khu vực nói trên gần đây như Kiếm Thế 2 Mobile (Kingsoft), Hoa và Kiếm Mobile (NetEase), Slam Dunk Mobile (DeNA China), Dragon Nest Mobile (Tencent)…
Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan là lựa chọn đầu tiên cho các công ty trò chơi đại lục trong kế hoạch phát hành của mình. Đó đều là những thị trường Trung Quốc truyền thống từ lâu, có những đặc điểm giống nhau về mọi mặt và thường được kết hợp với nhau để hoạt động ở bên ngoài đại lục. Rất ít những nhà sản xuất game độc lập ở 2 khu vực này mà thường nhận những game được phát hành từ Trung Quốc. Đơn giản hơn chỉ là thay tiếng Trung giản thể bằng phồn thể mà thôi.
Vậy nên nói thị trường game Ma Cao, Hồng Kông và Đài Loan ‘lệ thuộc’ vào Trung Quốc thì có phần mang tính chính trị, nhưng về bản chất là đúng. Nó gần như cách sắp xếp của các ngôi sao trong lá cờ Trung Quốc. Ngôi sao lớn phân ra các ngôi sao nhỏ xung quanh – mô hình game có lẽ tương đồng như vậy!