Nhà phát hành mong đợi điều gì ở game thủ Việt?
Từ xưa tới nay mỗi khi nhắc tới câu chuyện giữa nhà phát hành và game thủ Việt, chắc nhiều người sẽ nghĩ đây là một mối quan hệ đối lập khi mỗi bên sở hữu một chiến tuyến, luôn nảy sinh nhiều vấn đề được hiểu theo chiều hướng tiêu cực.
Tuy nhiên đó cũng chỉ là bề nổi của một tảng băng khổng lồ, khi thực chất giữa nhà phát hành và game thủ Việt luôn tồn tại một sự gắn kết vô hình, một sợi dây vững chắc không có gì chia cắt được.
Những năm qua, chúng ta đã biết nhiều về những điều cộng đồng game thủ mong muốn ở một nhà phát hành. Vậy các game thủ có bao giờ quan tâm tới nhà phát hành mong đợi điều gì ở một cộng đồng hay không?
Mong game thủ ngừng.. phá game
Dẫu không phải công ty mẹ phát triển nên các tựa game, nhưng với bất kỳ nhà phát hành nào tại Việt Nam cũng đều không thích việc sản phẩm của họ bị phá hoại bởi chính tay cộng đồng game thủ.
Xét về mặt này, có thể nhiều game thủ cho rằng: việc sử dụng hack trong game chỉ là để mua vui bản thân và không gây ảnh hưởng quá nhiều tới người khác, đặc biệt là nhà phát hành.
Thế nhưng đây là quan niệm sai lệch, vì hệ lụy của việc hack phá hoại game khi bị tiếp tay bởi một cá nhân game thủ sẽ mang tới hậu họa không lường tới chính bản thân và cộng đồng của họ.
Ngoài việc đánh đổi tính công bằng trong một trò chơi, làm nhà phát hành nhọc công gỡ lỗi thì đây cũng là một điểm chết khiến các Nhà phát hành quốc tế nhìn vào ý thức cộng đồng người chơi tại Việt Nam.
Có bao giờ các bạn game thủ tự hỏi nhà phát hành game Việt tuy dày về mặt kinh tế cũng như kinh nghiệm vận hành game.. nhưng chưa bao giờ dễ dàng trong việc thương thảo đối tác nước ngoài, rước một con game đỉnh từ nước ngoài về cho các bạn trải nghiệm chưa?
NPH Goplay đã phải mất hơn 8 tháng để thuyết phục hãng Crytek cho quyền phát hành Warface tại Việt Nam
Bằng chứng là khi đại diện NPH Goplay sang Đức gặp hãng Crytek để thuyết phục họ cho quyền phát hành game FPS Warface tại Việt Nam, quá trình thương thảo đã mất hơn 8 tháng ròng, kèm theo đó là bao cuộc khảo sát mà Crytek tạo ra với cộng đồng người chơi FPS Việt.
Vậy nên một sản phẩm game chất lượng khi được đưa về Việt Nam phát hành dưới hình thức thương mại hóa, nó vẫn là một sản phẩm chất lượng và người hưởng thụ nó là game thủ. Mong các game thủ sẽ có ý thức hơn trong việc bảo tồn giá trị của nó, cũng như giá trị từ chính bản thân mình.
Nếu có tiếng nói, hãy cứ cất lời, đừng sợ mưa rơi!
Khác với quan niệm “cả vú lấp miệng em” mà nhiều game thủ vẫn thường nghĩ một phía về các nhà phát hành game Việt mỗi khi xảy ra vấn đề khiếu nại, kiến nghị tới từ cộng đồng Game thủ.
Trên thực tế các nhà phát hành Việt (trừ mấy anh phát hành game lậu, không giấy phép) đều mong muốn nhận được thái độ phản hồi quyết liệt hơn từ phía cộng đồng game thủ mỗi khi họ nhận thấy vấn đề nan giải hay lỗi phát sinh trong game.
Tuy nhiên, do hầu hết hình thức trao đổi giữa nhà phát hành với cộng đồng game thủ thường là qua mail hoặc kênh chat trực tuyến nên thường không thể hiện hết được cái nhìn bao quát vấn đề, dẫn tới việc xử lý vẫn nước mắc nhiều khó khăn.
Chưa kể có những nhà phát hành sử dụng tổng đài điện thoại thu phí gọi đến nên cũng khiến cho nhiều game thủ phải dè chừng khi nghĩ tới việc tự mình tiếp xúc và trao đổi thông tin.
Như câu chuyện về Phan Huy Thiện – một game thủ thấy chưa thực sự hài lòng với phần hỗ trợ giải đáp vấn đề từ NPH Goplay nên đã tự đập heo đất, góp tiền túi mua gấp vé máy bay từ Sài Gòn ra Hà Nội để gặp trao đổi và chất vấn với nhà phát hành. Đây là là câu chuyện vẫn đang đang được bàn tán sôi nổi trong cộng đồng game Warface.
Trước khi kết thúc chuyến thăm quan của mình với nhà phát hành, Thiên đã chia sẻ: ” Nếu bản thân không tự ý thức việc đứng dậy và đi, có lời muốn nói nhưng không đủ dũng cảm để cho người khác biết thì người khác làm sao hiểu được điều bạn mong muốn, khúc mắc trong lòng một Game thủ là mình?.”
Tham gia thường xuyên vào các buổi họp mặt giữa game thủ và NPH
Buổi offline Tiếu Ngạo Giang Hồ đầu tháng 6 vừa qua được nhà phát hành VGG tổ chức rất thành công, cùng với đó là ý thức tham gia rất có trật tự của cộng đồng Game thủ
Nói về các buổi offline tiệc tùng, có lẽ cả nhà phát hành và cộng đồng game thủ đều đang hiểu với hai khái niệm khác xa nhau. Nhà phát hành coi đây là những dịp tạo ra sân chơi ngoài đời, kéo các game thủ tạm lui khỏi cái màn hình máy tính, đồng thời cũng là cho các bạn game thủ có cơ hội giao lưu, gặp gỡ với các đồng tâm chí cốt mình từng sát cánh bên trong thế giới Game.
Trong khi đó với tâm lý của rất nhiều game thủ lại coi đây như là dịp.. được ăn uống và nhận đồng quà tấm bánh miễn phí từ nhà phát hành.
Bởi vậy với nhiều buổi offline được tổ chức từ nhiều nhà phát hành, dù to hay nhỏ vẫn không thể tránh được tình trạng hôi của hôi hàng được tạo ra từ chính các game thủ.
Đây là một nét điểm xấu mà không một nhà phát hành hay số đông game thủ trong cộng đồng mong muốn.
Nhưng để cải thiện tốt được nó, chẳng phải vẫn cần lắm ý thức từ những game thủ tham gia, cùng với đó là sự chuyện nghiệp trong khâu tổ chức từ nhà phát hành hay sao?