Màu đen – màu của những đau thương
Nhiều người trong game thì nói rôm rả, ngoài đời lại im thin thít cũng vì vậy. Xã hội trong game không làm người ta phải sử dụng “màu đen” để che đi những buồn đau như thực tế. Nó gây dễ chịu một cách kì lạ, mọi người quan tâm đến nhau một cách kì lạ và cũng bộc lộ dễ dàng với nhau một cách kì lạ.
Hôm nay trời âm u hay trong lòng âm u, cũng không biết nữa. Bất giác nhìn chiếc xe hơi màu trắng tinh lấm lem bùn đất mà thầm nghĩ: “Sao lại không chọn chiếc xe màu đen chạy cho đỡ dơ ta”. Ngẫm, người ta hay chọn xe màu đen để có dơ cũng ít bị ai để ý, cũng như hay tỏ ra mạnh mẽ để che đi những yếu đuối, những tổn thương bên trong. Có như vậy người ta mới vượt qua được những khó khăn nghiệt ngã của cuộc đời này.
Trong bộ phim nổi tiếng “Tam sinh tam thế thập lý đào hoa”, thái tử Dạ Hoa đã từng nói với mẫu phi của mình như thế này: “Sau này con sẽ mặc đồ màu đen để không còn thấy máu khiến cho mẫu phi đau lòng nữa”. Giống như việc phô bày nỗi đau ra là một việc xấu hổ, là một nỗi lo sợ nên người ta thường không muốn để ai thấy. Không ai muốn người khác nhìn thấu được tâm hồn của mình để rồi bị lợi dụng, bị lừa dối và bị tổn thương. Vậy nên cho dù thấy được nhiều lớp mặt nạ của người khác, cũng nghĩ đó là điều hiển nhiên, không dám chê cười.

Việc phô bày nỗi đau ra là một việc xấu hổ, là một nỗi lo sợ nên người ta thường không muốn để ai thấy
Không phải tự nhiên người ta chững chạc hẳn chỉ sau một đêm. Có thể mới hôm qua còn hồn nhiên, vui vẻ, hôm sau bị cái cuộc đời xám ngắt tô tô vẽ vẽ làm sao mà ngày mai mất luôn màu hồng vốn có của tâm hồn và rồi nhìn đời bằng con mắt màu tối. Tối tăm đến mức nhận không ra con người của quá khứ.
Nhiều người trong game thì nói rôm rả, ngoài đời lại im thin thít cũng vì vậy. Xã hội trong game không làm người ta phải sử dụng “màu đen” để che đi những buồn đau như thực tế. Nó gây dễ chịu một cách kì lạ, mọi người quan tâm đến nhau một cách kì lạ và cũng bộc lộ dễ dàng với nhau một cách kì lạ. Không biết có bao nhiêu phần trăm sự thật trong những lời nói đùa đó, nhưng mà, vốn dĩ một lời đùa cợt có thể có đến 70% là sự thật.
Thấy một người mang nhiều mặt nạ, bản thân tự hỏi người đó đã phải trải qua những gì. Một người càng điềm đạm thì trong quá khứ ắt đã trải qua nhiều lần nóng giận, uất ức không thành tiếng. Một người cởi mở thân thiện thì trong quá khứ ắt đã từng cảm thấy cô đơn trong thế giới rộng lớn. Một người lạnh lùng, luôn hoài nghi tất cả mọi thứ thì ắt hẳn đã từng bị lừa dối và lợi dụng nhiều lần trước kia… Cho nên vốn dĩ không thể đánh giá một quyển sách qua bìa của nó cũng vì vậy. Mà thật ra chúng ta cũng không có quyền để phán xét về cuộc đời của người khác, vì đơn giản, chúng ta không sống cho cuộc đời của họ.
Mỗi lần người ta dùng hết can đảm, tháo từng lớp mặt nạ xuống, phơi bày sự thật của tâm hồn trơ trụi cho một người thì bằng một cách nào đó, vô tình hay cố ý, người kia lại nhẫn tâm “làm vài đường” lên đó. Khổ là khổ cho những người đến sau, phải dùng hết bao nhiêu yêu thương mới có thể làm tâm hồn kia ấm áp trở lại. Nghĩ mà buồn. Cứ như mình phải xoa dịu những nỗi đau do người khác tạo ra vậy. Rồi, dùng hết cái phần sáng sủa còn lại đó để chữa lành những tổn thương kia nhưng vẫn không được đáp lại, người ta biết phải làm sao đây? Thì, lại có thêm một người trên thế gian này gắn thêm một lớp mặt nạ lên mặt.
Không phải vì sợ dơ mà người ta không mua xe màu trắng, không phải vì sợ tổn thương mà không dám yêu ai. Sợ đó nhưng mà xe có dơ thì siêng rửa, có tổn thương thì sau này sẽ mạnh mẽ và chững chạc hơn. Phải có đi qua đau thương mới tìm được hạnh phúc. Vì cuộc đời này vốn dĩ công bằng, có bất công thì cũng chỉ vì người mà ra.