Làm thế nào để lựa chọn bàn phím chơi game phù hợp nhất?
Có đến cả triệu mẫu mã bàn phím đang được bày bán tại thị trường nhưng loại bàn phím nào mới thực sự phù hợp với các game thủ?
Đúng như vậy, game thủ luôn phân vân về vấn đề bàn phím nào dùng thích, bàn phím nào hợp tay giúp bạn thao tác nhanh, chính xác và hiệu quả? Đừng lo lắng, bài viết này của Game4V sẽ giúp các bạn có những cái nhìn đúng đắn nhất về bàn phím, đặc biệt dành riêng cho game thủ và những người có công việc đặc thù cần sử dụng nhiều tới bàn phím. Trước tiên, hãy cùng Game4V đến với những kiến thức cơ bản không phải ai cũng biết.
Nội dung
Có những loại bàn phím nào?
Bàn phím được chia làm 2 loại chính, bàn phím cao su (rubber dome) và bàn phím cơ. Đối với bàn phím cao su, khi người sử dụng gõ một phím bất kì, miếng cao su này sẽ lún xuống và chạm vào bảng mạch nằm ở dưới. Nhược điểm lớn nhất cùng khác biệt về cơ bản giữa 2 loại bàn phím này đó là phím cao su bấm phải chạm đáy mới được máy tính ghi nhận.
Chính nhược điểm này khiến người dùng gặp phải một phiền toán không hề nhỏ, nhất là khi cần gõ nhanh và chính xác, hãy thử tưởng tượng khi bạn tung ra một Combo trong một trận đấu game MOBA nhưng bấm chưa chạm tới bảng mạch và máy tính không nhận?
Bên cạnh đó, tuổi thọ của miếng cao su này không hề cao, chỉ khoảng 1 đến 5 triệu lần nhấn mà thôi. Hơn thế nữa, khi bạn nhấn quá nhiều khiến miếng cao su trở nên chai, cùng với đó người sủ dụng sẽ phải dùng lực mạnh hơn để kích hoạt các phím này.
Vậy còn bàn phím cơ thì sao? Bàn phím cơ sở hữu công nghệ bàn phím cao cấp, sử dụng các công tắc cơ học riêng biệt (được gọi là switch) cho từng phím bấm, đem lại cho người dùng sự chính xác, cảm giác êm ái và độ bền cực cao. Đặc điểm nổi bật nhất của bàn phím cơ đó là khả năng nhận phím ngay khi nhấn xuống một nửa thay vì gõ đến chạm đáy như bàn phím cao su thông thường. Điều này giúp bạn loại bỏ được lực phản hồi khi gõ chạm đáy, đem lại cho người dùng một cảm giác êm ái dễ chịu, cùng với đó tốc độ gõ bàn phím cũng sẽ tăng đáng kể.
Ngoài ra, với kết cấu lò xo phía dưới mỗi switch cũng giúp độ nẩy của phím bấm tăng lên rất nhiều, độ phản hồi phải nói là cực kì tốt. Công nghệ ‘N-key rollover’ giúp bạn có thể ấn mọi phím cùng-một-lúc thay vì 4 phím như bàn phím cơ thông thường, một vài bàn phím giả cơ cũng đem lại khả năng nhấn 24 phím cùng lúc, tuy nhiên điều này vẫn không thấm vào đâu với khả năng của phím cơ.
Tuổi thọ trung bình của một switch rơi vào khoảng 30 tới 50 triệu lần nhấn, gấp khoảng 10 lần bàn phím cao su thông thường. Lực nhấn của bàn phím cơ cũng không hề bị thay đổi theo thời gian, thậm chí bạn còn có thể mod, thay đổi lò xo phía bên trong switch nhằm tăng hoặc giảm lực nhấn giúp phù hợp với đôi tay của người sử dụng.
Vậy lựa chọn switch nào thì hợp lý?
Có hàng tá các hãng sản xuất switch cùng cả chục loại switch khác nhau để người dùng sử dụng, nhưng trong bài viết này Game4V sẽ chỉ giới thiệu bốn switch thông dụng nhất và có chất lượng cao được sản xuất bởi Cherry: Blue, Red, Black và Brown. Những loại switch này sẽ mang màu sắc đúng như tên gọi của chúng.
- Cherry MX Blue – Có khấc khi bấm, có tiếc ‘Click’ khi vượt qua khấc
Blue switch được xem như loại switch có cảm giác nhấn tốt nhất trong các loại switch. Khi nhấn phím bạn sẽ có cảm giác trượt qua 1 cái gờ nhỏ và tiếng ‘Click’ cực kì vui tai. Tuy nhiên, switch này lại có một nhược điểm đó là tiếng ‘Click’ khá lớn, nhất là với tốc độ đánh máy cao sẽ gây ra tiếng ồn không hề nhỏ. Switch này phù hợp với những anh chàng phải soạn thảo văn bản hoặc gõ code nhiều hơn là dành cho việc chơi game.
Blue switch có lực nhấn 50g và 60g khi nhấn đến cuối hành trình phím.
- Cherry MX Brown – Có khấc khi bấm, không có tiếng Click
Cảm giác khi nhấn của switch này khá giống với blue, tuy nhiên lại không có tiếng click, chính vì vậy switch này phù hợp với phần lớn nhu cầu sử dụng từ chơi game đến đánh máy, soạn thảo văn bản. Brown switch có lực nhấn rơi vào 45g và 55gkhi nhấn tới cuối hành trình phím.
- Cherry MX Red – Không có khấc khi bấm, không có tiếng Click
Red switch là loại switch nhẹ nhất với lực nhấn 45g, cảm tưởng chỉ cần ấn nhẹ là phím đã trơn tuội xuống thẳng tới cuối hành trình rồi. Đây là một switch cực kì thích hợp với game thủ, nhất là khi bạn chơi những game nhanh, cần tốc độ ấn phím cao.
- Cherry MX Black – Không có khấc khi bấm, không có tiếng Click
Loại switch này có cấu tạo tương tự với Red switch nhưng cần lực nhấn 60g, nặng hơn rất nhiều so với ‘bạn bè’. Blackswitch rất phù hợp với những anh chàng ‘tay to’ hoặc cần luyện cơ bắp của ngón tay khi bấm Red switch thấy quá nhẹ.
Những bàn phím nào nên sử dụng?
Chắc hẳn bạn đã lựa chọn được cho bản thân loại switch yêu thích và phù hợp với nhu cầu của mình, vậy còn bàn phím thì sao? Cùng điểm qua một vài sản phẩm có giá thành phải chăng, phù hợp túi tiền game thủ.
- SteelSeries 6Gv2 Red switch
Giá tham khảo: 2 triệu đồng.
Là một trong những bàn phím cơ được cộng đồng game thủ yêu thích nhất bởi giá thành phải chăng cùng sự chắc chắn đến từ thương hiệu nổi tiếng về Gaming Gear – Steelseries. Chắc chắn SteelSeries 6Gv2 sẽ đủ sức làm hài lòng bất kì game thủ khó tính nào.
- Ducky Zero Shine
Giá tham khảo: 2,55 triệu đồng.
Chất lượng của bàn phím Ducky đã được khẳng định tại Việt Nam với sự tín nhiệm của khá nhiều game thủ, nhất là đối với những game thủ yêu thích Led. Chất lượng bàn phím tốt, build đầm và chắc chắn, keycap xuyên Led, giá thành phải chăng, có lẽ chúng ta cũng không nên tiếp tục phân vân nữa.
- CM Storm Quick fire Pro
Giá tham khảo: 1,85 triệu đồng.
Quick fire Pro là một bàn phím cơ giá rẻ được sản xuất bởi CM Storm, một công ty con của hãng sản xuất sản phẩm cho game thủ nổi tiểng trên thế giới Cooler Master. Tên tuổi của hãng này cũng đủ để khẳng định cho chất lượng sản phẩm. Giá thành gần như rẻ nhất trong các mẫu bàn phím cơ hiện tại sử dụng Cherry Switch. Bạn chắc chắn không nên bỏ qua Quick fire Pro, nhất là khi túi tiền có hạn nhưng vẫn muốn sở hữu cho mình một ‘mech key’ chất lượng.
- Corsair Vengeance K65
Giá tham khảo: 2 triệu đồng.
Là một bàn phím tenkeyless (không có khu vực phím số bên tay phải), Corsair Vengeance K65 cực kì nhỏ gọn, phù hợp với những game thủ hay đi on-lan và di chuyển nhiều hay đơn giản là bàn học của bạn quá nhỏ. Ngoại hình cực ngầu của K65 sẽ giúp ban nổi bật dù bất cứ đâu. Ngoài ra danh tiếng của Corsair cũng đủ để đảm bảo chất lượng cho chiếc bàn phím này.
Tổng kết
Sở hữu cho mình khả năng phản hồi tốt, độ chính xác cao, cảm giác gõ tuyệt vời, thậm chí có thể tùy biến và thay đổi keycaps theo ý mình, bàn phím cơ luôn là lựa chọn số 1 với game thủ. Nhất là khi bạn chơi những tựa game đỉnh cao cần sự chính xác tuyệt đối trong thao tác tay.
Hi vọng qua bài viết này, độc giả đã có thể mường tượng cho mình một sản phẩm yêu thích hoặc chiếc bàn phím trong tương lai.