Dấu hiệu của 1 người chơi thất bại: Thích troll, bait, dìm hàng, report và chẳng hiểu gì về game
Đã đến lúc, chúng ta cần phải phân tách rõ ràng đâu là game thủ, đâu là người chơi game thông thường và đâu là những người chơi LOSER– Thất bại để không mang tiếng cho những game thủ chân chính chơi nhiều hiểu rộng và sống vì đam mê.
Hơn 10 năm trước, nhắc đến cụm từ game thủ là nhắc đến những người có khả năng chơi game hơn người, những vận động viên thể thao điện tử cho dù cụm từ eSports vẫn còn chưa phổ biến. Ngày nay, nhắc đến cụm từ game thủ, người ta lại chỉ liên tưởng tới 1 lũ chỉ thích troll, thích bait, thích dìm hàng, thích report ở bất cứ đâu và bất cứ thời gian nào. Trong khi đó, hiểu biết về game của họ thực sự chỉ ở mức rất sơ khai, thậm chí là một con số 0 tròn trĩnh.
Chưa bao giờ, Việt Nam lại có một số lượng quá lớn người chơi game kiểu như vậy. Xin nhắc lại đây không phải là một con số nhỏ và nó là một số lượng rất lớn. Những người này thường rất thích sống theo kiểu bầy đàn, thích thể hiện bản thân vì thực sự đang nằm trong tuổi thích thể hiện từ 13 đến 22 (thậm chí già hơn) hay trong độ tuổi chưa trưởng thành. Troll, Bait, Dìm hàng hay thậm chí là Report những thứ không thích vẫn thường xảy ra hàng ngày nhưng với những người đã coi là game thủ, đây không phải là những thứ họ quan tâm vì nó chẳng mang lại một tác dụng gì. Họ chỉ cần biết mình đang chơi game gì, không thích game gì, game này cần phải sửa những cái gì và hết mình luyện tập cho tựa game mình yêu thích cho dù nó là những CSGO, DOTA2, LOL cho đến những game từ thuở sơ khai: Xếp hình, Ping Pong, Pacman… miễn sao được sống với đam mê.
Với những người chơi thất bại, những troll, bait, report, dìm hàng dường như là lẽ sống của họ, họ có thể làm mọi lúc mọi nơi để thỏa mãn cái tôi của bản thân.
Điều dễ nhận thấy nhất với những người chơi thất bại là hoặc họ chẳng có một hiểu biết chút nào về game ngoài mấy game phổ thông ở thị trường Việt Nam hoặc hiểu biết được đôi chút nhưng lại tỏ ra hiểu biết mọi thứ trên đời hoặc dùng những trò troll, bait để lấp đi sự dốt nát của mình. Những người này thậm chí còn không có một thiết bị chơi game cơ bản và chỉ tập tành xem các video trên Youtube, đọc qua đôi ba bài viết nhảm mà thôi. Họ cũng chưa từng biết search thử Wikia để đọc về game vì khả năng dịch thuật yếu. Một số người hiểu biết hơn chút thì mới bập bõm được 1 số game nổi còn các game mang tính bước ngoặt lịch sử từ cách đây 10 năm, 20 năm thì với họ, thậm chí nó còn không tồn tại.
Điều thứ 2, cũng giúp bạn phát hiện ra họ ngay đó là những người chơi thất bại thường có hành vi lôi người khác ra làm trò đùa. Hãy thử đóng vai là một kẻ không biết gì về phần cứng hay game, hỏi 1 vài câu trên những group, forum lớn và bạn sẽ phát hiện ngay đâu là những người chơi thất bại. Họ thường viết những comment mang đậm tính chất troll và bait người khác hòng đem người hỏi, người comment khác ra làm trò đùa. Nếu người chơi thông thường rất ít khi comment troll, bait và chỉ mang tính chất trêu đùa nhất thời thì với những người chơi thất bại, họ thường thực hiện điều đó mọi lúc mọi nơi. Học lỏm được vài 3 câu tiếng anh nhảm nhí trên reddit, mấy câu khích bác bằng thứ tiếng ngoại lai và bắt đầu đem ra để dọa nhau, khiêu khích nhau như thể mình là lão làng nhưng thực tế chỉ là những đứa trẻ.
Mặt khác, những game thủ thất bại luôn thích phải dìm người khác xuống cho bằng mình thay vì đóng góp ý kiến. Trong game, họ luôn là những kẻ đổ lỗi cho người khác và không bao giờ chịu nhận lỗi về mình. Trên mạng, họ luôn phải dìm kẻ khác xuống ngang mình cho… bõ ghét thay vì có những comment đóng góp. Nhiều năm trước, “Khoe của” là cách mà một game thủ muốn cho người khác thấy mình đã làm được những gì, đã có những gì, thể hiện bản thân để biến nó thành động lực cho người chơi khác. Các trao đổi ý kiến của những game thủ với nhau trong một topic “khoe của” được thể hiện rất khác và mang nhiều tính góp ý hơn là cực đoan như ngày hôm nay. Giờ đây, bạn sẵn sàng có thể chết trong một đống nước bọt mà những người chơi thất bại phỉ nhổ nếu topic của bạn mang ý nghĩa “khoe của” cho dù là có quá đà hay không?. Nguyên nhân chính của việc trên là vì những người chơi thất bại không thể có điều kiện đạt được như bạn, họ chỉ đang ở lứa tuổi học sinh, sinh viên và không có điều kiện mua sắm cho mình 1 phần cứng xịn hay 1 con game bản quyền và thay vì biến khó khăn thành động lực kiếm tiền mua sắm, họ phải dìm kẻ khác xuống đã.
Gần đây nhất là các vụ việc Report trên mọi góc độ khác nhau và không rõ nguyên nhân xuất phát từ đâu. Điều này càng chỉ khẳng định một điều là những người chơi thất bại sống theo kiểu bầy đàn 1 cách khủng khiếp và những người này thậm chí không được coi là người chơi. Vụ việc đồng loạt Report ở mức độ nhiều như vậy chỉ thể hiện được rằng họ ganh ghét và đố kị đến mức nào so với thành công của người khác cho dù nó là một fanpage chẳng liên quan gì tới game cho đến một Youtuber cấp 2 chỉ bắt đầu “vẽ” được 1 vài cái video để làm cho vui. Đây là đỉnh điểm của thói sống vô kỉ luật, thích thể hiện bản thân một cách thái quá thứ chưa từng tồn tại xét theo hàng chục năm trước.

Một người chơi học lớp 6 lỡ dại làm 1 cái clip không được hay ho và thế là bị bài trừ đến mức phải đóng cửa
Cần phải nhắc lại, để nhiều người không nhìn vào game thủ với ánh mắt là một lũ bầy đàn, một lũ cô lập và gây hại cho xã hội cần thiết phải phân tách ngay đâu là game thủ chân chính, đâu là người chơi thông thường và đâu là những kẻ thất bại trên mọi góc độ từ trong game, trên mạng đến ngoài đời. Có những vậy, người người chơi thất bại mới nhận ra được cấp độ của mình ở đâu. Còn sửa chữa được hay không, còn có trở thành 1 game thủ thật sự hay không còn tùy thuộc ở chính họ.
Đừng là một người chơi thất bại thêm nữa!