Bàn phím cơ: Những thông tin dễ hiểu và cơ bản nhất dành cho ‘gà mờ’
Bàn phím cơ là gì? Tại sao nên dùng bàn phím cơ? Những điểm gì cần lưu ý khi lựa chọn bàn phím cơ? Đó là những câu hỏi thường gặp với bất cứ một người dùng nào khi lần đầu làm quen với khái niệm này. Bài viết dưới đây sẽ giải quyết được phần nào các câu hỏi đó theo một cách dễ hiểu nhất dành cho các bạn, đương nhiên không tránh khỏi các thuật ngữ trong ngành, kèm giải thích.
Bàn phím cơ (hay Mechanical Keyboard) là một khái niệm đã xuất hiện từ rất lâu trên thị trường nhưng chỉ thực sự phổ biến tại Việt Nam cách đây 3, 4 năm do giá thành vẫn còn cao so với mặt bằng chung. Đơn giản, bạn có thể hiểu, chỉ cần bỏ ra vài trăm để mua 1 bàn phím thường (trong khuôn khổ bài viết này là bàn phím cao su, loại bàn phím được sử dụng phổ biến nhất hiện nay tại thị trường Việt Nam) thay vì phải bỏ ra cả triệu đồng để có 1 bàn phím cơ, đã khiến nó khó tiếp cận với người dùng thông thường. Nhưng một khi bạn đã nắm bắt được những điểm mạnh của bàn phím cơ, bạn sẽ bị nghiện từ lúc nào không biết và không thể quay trở lại gõ phím cao su thêm được nữa. Vậy điều gì khiến nó hấp dẫn như thế? Để giải quyết câu hỏi này, bạn cần phải hiểu nó là gì đã.
Nội dung
Bàn phím cơ là gì? Khác như thế nào so với bàn phím cao su?
Trước khi đến với bàn phím cơ, bạn nên hiểu thế nào là bàn phím cao su (Membrane Keyboard) mà đại diện phổ biến nhất ở Việt Nam thường là Genius và Mitsumi. Loại bàn phím này đặt 1 miếng cao su dưới đáy. Khi bạn nhấn phím chạm vào miếng cao su sẽ xảy ra hiện tượng đóng mạch. Máy tính lập tức ghi nhận các tín hiệu điện nằm dưới phím và sau một quá trình phức tạp mà bạn không thể nhận ra được vì nó quá nhanh, kí tự gõ sẽ được hiển thị lên màn hình.
Kết cấu đơn giản như vậy dễ sinh ra các nhược điểm như việc phải ấn phím tới kịch đáy (từ chuyên môn là Bottom Out hay đâm lút cán) thì máy tính mới ghi nhận phím, dẫn tới việc cần nhiều lực để ấn phím. Lực mất tương đối nhỏ nhưng khi người dùng gõ lên tới hàng triệu lần thì lực mất đi là rất lớn, dễ gây các bệnh về tay. Mặt khác, trong quá trình gõ, tại một phím nào đó bạn nhấn không đủ lực thì máy tính chưa thể ghi nhận được và ở phím tiếp theo bạn lại nhấn đủ lực nên sinh ra hiện tượng mất chữ, sai chính tả và phải xóa đi viết lại rất mất công. Bàn phím cao su có một nhược điểm khác là rất dễ nhanh hỏng, dễ bám bụi ảnh hưởng tới hành trình di chuyển của phím tới miếng cao su. Rubber Dome (Miếng cao su) sau khoảng vài trăm ngàn lần sử dụng có dấu hiệu kém nhận và sẽ phải sử dụng lực ấn nhiều hơn để hệ thống nhận phím.
Với bàn phím cơ, mọi nhược điểm đều được khắc phục triệt để. Thay vì sử dụng miếng cao su, nó dùng 1 công tắc hay còn gọi là Switch để bật tắt mạch. Người dùng không cần phải mất nhiều lực để gõ phím, dẫn tới giảm mệt mỏi trong thời gian dài. Độ bền của switch là rất cao gấp từ 40 tới 60 lần miếng cao su do chúng đều sử dụng lò xo tạo độ nảy ngược trở lại vị trí bán đầu, nên có khi bạn dùng nó cả chục năm mà vẫn không xi-nhê gì. Nhưng quan trọng hơn cả là mức độ chính xác gia tăng đáng kể, giảm thiểu tình trạng gõ thiếu kí tự do thời gian hành trình phím thấp (khoảng thời gian từ lúc nhấn tới lúc phím được nhận), bạn cũng không cần phải Bottom Out thì phím mới ghi nhận. Hoặc gõ cả bàn phím cùng lúc mà nó vẫn ghi nhận chính xác các kí tự và đúng thứ tự. Tuy nhiên, cũng chính vì vậy mà giá thành của nó thường từ cao cho đến rất cao khiến nhiều người e dè.
Những yếu tố quan trọng của một bàn phím cơ
A. Switch
Như đã nói ở trên dưới mỗi phím của một bàn phím cơ là một công tắc bật tắt riêng biệt. Thiết kế, chất lượng và độ nhạy của nó quyết định xem bạn có bị mệt mỏi khi dùng thời gian dài hay không, âm thanh phát ra có phù hợp hay không và nó phù hợp cho những công việc như thế nào. Chúng rất khác biệt nhau. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi muốn giới thiệu tới các bạn 3 công ty sản xuất Switch mạnh nhất trên thị trường bao gồm: Cherry MX, Kailh (đại diện tiêu biểu là Razer) và Topre. Mỗi đơn vị lại có kiểu thiết kế Switch riêng. Tuy nhiên, có rất nhiều sự tranh cãi giữa Switch của Cherry MX và Kailh. Chúng tôi xin phép không đề cập trong bài viết này mà chỉ đưa các thông tin liên quan tới các loại Switch phổ biến nhất mà họ đang sản xuất.
1. Cherry MX
Đơn vị nổi tiếng nhất trong việc sản xuất các loại Switch được không chỉ người dùng tại Việt Nam mà nước ngoài công nhận. Họ sản xuất rất nhiều loại Switch lớn nhỏ khác nhau nhưng quy tụ lại có những loại sau đây:
Giải nghĩa cụ thể các từ trong bảng phía trên:
- Clicky: Tiếng Click, thực tế là tiếng lách cách mà bạn nghe thấy trong quá trình gõ phím. “No” đồng nghĩa với việc bạn không nghe thấy tiếng này, Yes thì ngược lại.
- Tactile: Cảm giác ấn phím khi bạn vượt qua một cái khấc, bạn sẽ có cảm giác nghe “khực” 1 cái.
- Linear: Tuyến tính. Là loại phím mà khi bạn nhấn phím tới Bottom Out mà không có cảm giác “khực” như Tactile.
- Actuation Force: Lực cần thiết để bàn phím nhận phím và hệ thống sẽ cho nó hiển thị lên màn hình. Với N là Newton, đơn vị đo lực. VD: với Black, AF=0.60 N tương đương với việc bạn để 1 vật nặng 60 gram lên phím. Đôi khi, nhiều người vẫn thường nói ngắn gọn : “một lực 60g” nhưng nên hiểu theo đúng nghĩa phải là 0.60N do công thức tính lực là: F=ma (với a=10m/s^2, m là khối lượng vật, F là lực)
- Tactile Force: Lực cần thiết để tới được khấc ở phím có Tactile. Đơn vị tính tương tự như trên.
- Product Code: Mã sản phẩm giúp bạn dễ dàng biết được phím này đang sử dụng Switch nào của Cherry MX.
Trong số các Switch trên thì có 5 loại phổ biến nhất là: Black, Red, Blue, Brown và Clear với độ bền trung bình khoảng 50 triệu lần nhấn. Đều có hành trình phím là 4mm, Actuation Point (điểm bàn phím nhận thao tác phím và chuyển đi để xử lý) là 2mm.
– Cherry MX Black: Có lực ấn cao nhất theo bảng trên, lại thuộc Linear nên độ nảy phím là cao nhất. Nó đặc biệt được game thủ ưa thích vì không lo mấy vụ bấm nhầm phím và lại có khả năng phản hồi tức thì nên dễ dàng spam phím mà không lo bị miss phím.
– Cherry MX Red: Có lực ấn thấp, thuộc Linear nên cảm giác rất êm ái nhẹ nhàng. Tuy nhiên, tỉ lệ bấm nhầm phím cao hơn Black. Vẫn là switch dành cho game thủ, tuy nhiên chỉ phù hợp với các game không yêu cầm thao tác nhiều phím. Đây không phải là loại cho dân văn phòng vì không có Tactile nên khi gõ quá nhanh, người dùng chẳng biết phím đã được ghi nhận hay chưa.
– Cherry MX Blue: Lực ấn vừa phải, có clicky, có thêm tactile khiến cho switch này phù hợp cho những người thường xuyên gõ văn bản. Nó giúp người dùng tránh bị gõ nhầm, biết lúc nào phím đã được ghi nhận. Nhược điểm tương đối lớn của nó là độ ồn cao và không phù hợp trong môi trường mà người khác ghét sự ồn ào. Khuyến cáo nên dùng ở nhà, một mình một phòng.
– Cherry MX Brown: Lực ấn thấp, không có clicky chỉ có tactile nên phù hợp với dân văn phòng thích yên tĩnh. Độ ổn ở mức dễ chịu. Game thủ có thể chọn lựa giữa Brown và Red nếu muốn.
– Cherry MX Clear: Lực ấn thấp, có tactile và không có clicky, thậm chí là rất êm. Có nhiều nét giống Brown nhưng cứng cáp hơn.
Nghe thử tiếng của từng loại Cherry MX Switch xem có gì thực sự khác biệt:
[mecloud]wObYMLUHy1[/mecloud]
Cách dòng switch còn lại chúng tôi sẽ có bài viết cụ thể trong thời gian tới.
2. Kailh Switch (Nghiên cứu trên đại diện Razer)
Razer chỉ sử dụng 2 loại Switch tiêu chuẩn là Green và Orange được Khailh tối ưu thiết kế. (Sau này họ chế thêm 1 phiên bản Chroma hỗ trợ đèn màu RGB) Cách sản xuất tương đồng với Cherry MX nhưng lại có giá rẻ hơn nhờ tối ưu quy trình và vật liệu. Tuy nhiên, liệu nó có phải là hàng nhái từ Cherry MX hay tốt hơn Cherry MX hay không, đó vẫn còn là chủ điểm gây tranh cãi mà tôi không tiện đề cập ở đây.
– Razer Switch Green: Thuộc loại Clicky, Tactile, lực nhấn 0.50N, có hành trình phím còn 3.5mm (so với tiêu chuẩn 4mm của Cherry MX), với điểm nhận thao tác phím giảm 0.1mm so với tiêu chuẩn (1.9mm so với 2.0mm) và khoảng cách từ điểm nhận thao tác phím (Actuation Point) tới Reset Point (điểm mà phím hoàn toàn về trạng thái ban đầu và có thể bấm ngay phím đó) còn 0.4mm (so với 0.7mm như tiêu chuẩn). Độ bền vượt Cherry MX tới 10 triệu lần, tức là khoảng 60 triệu lần nhấn.
– Razer Switch Orange: Không có Clicky, chỉ có Tactile, lực nhấn 0,45N, kết cấu tương tự Green chỉ khác khoảng cách từ Actuation Point tới Reset Point giảm từ 0.1mm xuống còn 0.05mm.
3. Topre Switch
Là loại Switch do tập đoàn Topre thiết kế và được nhiều người dùng gọi vui là ‘công nghệ cao’ hơn Cherry MX và Khalih. Đơn giản vì loại Switch này sử dụng cảm ứng để truyền tín hiệu xử lý về máy chứ không phải là công tắc bật tắt như 2 loại trên. Loại Switch này kết hợp giữa lò xo và đệm cao su với lực nhấn từ 0.3N tới 0.6N.

Sử dụng 1 miếng Landing Pad dạng vòng ở điểm va chạm giữa switch và phím như thế này có thể hạn chế tối đa tiếng ồn.
Lớp cao su được bọc ngoài 1 lò xo dưới phím. Khi bạn nhấn phím, lò xo sẽ bị biến dạng, các cảm biến siêu nhạy ở bề mặt dưới sẽ ghi nhận thay đổi này để truyền tín hiệu điện lập tức về hệ thống (chứ không phải nối mạch vật lý rồi mới truyền tín hiệu). Do thiết kế như vậy nên Topre gõ rất êm và mượt mà, mặt khác lại không bị nhầm phím cho dù gõ nhanh. Nhưng bù lại giá thành của sản phẩm này cũng đội lên rất cao. Thông thường là trên 5 triệu đồng.
Topre switch thông dụng nhất có: Standard Topre switch, Purple switch, Short-throw switch, Two-tone switch, Hi-Pro switch…
B. Keycap
Một trong những thứ tạo ra sự đa dạng vô cùng (hay còn được ví von là văn hóa phím cơ) của bàn phím cơ chính là Keycap, miếng nhựa có in các kí tự, hình thù ngay phía trên switch và có thể dễ dàng tháo ra bằng dụng cụ hoặc bằng tay với bàn phím cơ. Tuy nhiên, khái niệm về “miếng nhựa” này dần thay đổi theo thời gian khi có những người dùng sử dụng cả kim loại trong các bàn phím tự biên tự diễn (Custom). Trong khuôn khổ bài viết, tôi chỉ có thể nhắc qua về các loại keycap sử dụng chất liệu nhựa mà thôi.
Bạn đã từng nghe về các loại nhựa như PC, PVC, PBT… thì keycap sử dụng chính tên các loại nhựa đó làm tên gọi riêng cho mình trong lĩnh vực phím cơ. Hiện tại, các nhà sản xuất keycap sử dụng 5 loại nhựa chính đó là: ABS, PBT, PC, PVC và POM để thực hiện. Chi tiết vui lòng tham khảo tại đây.
– ABS: Loại nhựa tương đối mềm, độ co rút lớn nên để tăng tính bền khi sử dụng ABS, người ta thường thực hiện Double-Shot (ép 2 lớp ABS chồng lên nhau). Kí tự có thể được in bằng Pad-Printing (Sử dụng miếng silicon lớn có mức in kí tự, ép trực tiếp lên bề mặt phím) hoặc in laser (sử dụng tia laser để đục trực tiếp trên bề mặt, sau đó phím tiếp tục được làm mịn)
– PBT: Loại nhựa rất cứng, cực bền nếu dùng cho keycap. Chống chịu nhiệt tốt nên không bị co rút phím trong thời gian dài, chống chịu hóa chất ở mức cao. Phím PBT thường được in bằng laser và cho dù rất cứng, đôi khi nó vẫn được làm double-shot cho cứng hơn. Tuy nhiên, cũng vì độ cứng đó mà giá thành của PBT đắt gấp đôi của ABS.
– PC: Vật liệu tuyệt hảo để làm Keycap trong suốt, hoàn toàn không bị ố vàng, tương đối bền.
– PVC: Cho dù được coi là vật liệu phổ biến để làm keycap sau ABS nhưng nhựa PVC tạo ra chất thải độc hại và bị nhiều quốc gia phản đối, yêu cầu thay thế. Nhược điểm khác là chịu nhiệt kém dễ cong vênh Keycap trong thời gian dài.
– POM: Cứng và bền nhưng trơn trượt. Loại này thực sự không còn phổ biến trong việc sản xuất Keycap. Chữ khắc trên nó chủ yếu phải sử dụng bằng laser.
Dù có đến 5 loại nhựa, nhưng tôi khuyên bạn nên tập trung tìm hiểu về 2 loại ABS và PBT, đó là 2 vật liệu tốt nhất với giá thành hấp dẫn nhất vào thời điểm hiện tại. Hãy luôn hỏi người bán Keycap về thứ bạn đang mua, để chọn ra loại chất liệu phù hợp.
C. Kích cỡ bàn phím
Đa dạng là những gì có thể nói về Size của bàn phím nhưng tựu chung lại có những loại sau:
– Full Size: Một bàn phím thông thường với đầy đủ 104 phím
– TKL: Ten-Key-Less, bỏ khu vực phím số ở phía bên phải, dành cho những người không phải tính toán và nhập liệu nhiều
– 75%: Rút gọn toàn bộ các khoảng trống phía trên 4 phím mũi tên, loại bỏ 2,3 phím không cần thiết. Có phím Fn sử dụng các 2 chức năng khác nhau trên 1 phím.
– 60% với phím mũi tên: Rút gọn tiếp từ 75% nhưng giữ lại phím mũi tên. Hàng phím F1, F2… được loại bỏ.
– 60% bỏ phím mũi tên: thay 4 phím mũi tên bằng các phím khác, trong đó có việc kéo dài nút Shift phải.
– Bỏ hẳn dàn phím số: Ngoài ra còn có thêm bàn phím max “dị” bỏ toàn số và dường như chỉ để làm cảnh là chính.
Chi tiết về các kiểu dáng bàn phím, bạn có thể xem clip dưới đây:
[mecloud]bcZPAVCKDA[/mecloud]
Từng kích cỡ của bàn phím phụ thuộc vào công việc hoặc cách giải trí của bạn đang hướng tới. Nếu bạn dư dả tiền bạc, có chỗ ngồi rộng và không hay mang vác bàn phím. Fullsize là một lựa chọn tốt. Với TKL lại phù hợp với game thủ và dân văn phòng mà không cần phải nhập liệu gì nhiều. Nhẹ hơn, đồng nghĩa đút gọn vào Balo và mang đi được nhiều nơi. Từ 75% trở xuống dường như phù hợp cho những người thường xuyên phải di chuyển và thiên về công việc viết lách. Game thủ vẫn có thể chọn lựa loại bàn phím này với các tựa game không yêu cầu kết hợp hàng phím F trên cùng. Dưới 60%, hãn hữu người sử dụng loại bàn phím không có cả số hoặc 100% là nhà văn, nhà thơ không làm việc gì tới số. Dưới nữa… auto-làm cảnh.
Trên đây là các thông tin cơ bản nhất về một bàn phím cơ, tại sao bạn nên dùng chúng và nó có những đặc điểm nào cần lưu ý khi bạn muốn tìm hiểu, muốn mua. Trong một bài viết sắp tới, tôi sẽ nói chi tiết hơn về các hãng bàn phím nổi tiếng nhất tại Việt Nam và cùng với bạn xem xem mình nên chọn sản phẩm nào trong một giá tiền nhất định. Hi vọng, số thông tin trên giúp ích được cho bạn.
Mời các bạn tiếp tục truy cập chuyên mục PC-Console của Game4V để cập nhật các thông tin game mới nhất.
[fresh_embepost pid=”249826″ ]