5 studio phát triển game huyền thoại bị EA xóa sổ một cách lãng phí
Đây là những lý do khởi nguồn cho câu cửa miệng của dân làm game quốc tế: “Đừng bao giờ để studio của bạn bị EA thâu tóm!”
Nhiều game thủ luôn thắc mắc rằng tại sao những thương hiệu huyền thoại một thời như Command & Conquer và Medal of Honor không còn xuất hiện trên thị trường, hay những tựa game gần đây của series như Need for Speed và Dungeon Keeper bị đánh giá là không tương xứng với danh tiếng của thế hệ đi trước. Nhưng ít ai biết rằng đây là hệ quả từ một thời kỳ thăng trầm của những studio từng được mệnh danh là tiên phong trong các thể loại game tương ứng. Các studio này trong thời gian thịnh vượng nhất đều được tập đoàn EA thâu tóm, để rồi phải chịu số phận bị tan rã tương đối nhanh. Chính vì thế, nhiều game thủ đã mỉa mai đặt biệt danh cho hãng là “Sát thủ studio”.
Nội dung
1. Black Box Games
Studio này đã từng in đậm dấu ấn trong tâm trí của game thủ với thời kỳ đường phố “vàng son” của series game đua xe Need for Speed. Được thành lập vào năm 1998, Black Box ban đầu phát triển nhiều thể loại game khác nhau cho các hãng như SEGA và Midway Games. Đến năm 2002, đại gia EA đã mua lại studio này và có được sản phẩm đầu tay Need for Speed Hot Pursuit 2. Trong những năm sau đó, Black Box đã cho ra đời nhiều kiệt tác đua xe để đời như Need for Speed Underground, Need for Speed Most Wanted, và Need for Speed Carbon. Hãng đồng thời cũng phát triển series game trượt ván lừng danh Skate.
Tuy nhiên, Black Box vẫn không tránh khỏi lưỡi hái của số phận khi nước cờ đầy rủi ro Need for Speed The Run đã thất bại với doanh số ảm đạm và đánh giá chuyên môn trung bình. EA lúc đó đã quyết định cắt giảm nhân sự và thu nhỏ quy mô của studio để phát triển phiên bản MMO Need for Speed World, và sau đó là giải thể toàn bộ vào tháng 4 năm 2013. Cùng với đó, toàn bộ bản quyền phát triển series Need for Speed được chuyển về cho 2 studio khác là Criterion Games và Ghost Games.
2. Westwood Studios
Thành lập vào năm 1985, Westwood Studios được biết đến là một trong những ông tổ của thể loại chiến thuật thời gian thực. Hãng đã từng làm nên cuộc cách mạng trong làng game quốc tế với hai series siêu phẩm RTS Dune và Command & Conquer, với kỷ lục Guiness khi đạt doanh số kỷ lục 10 triệu bản trên hệ máy PC. Về điểm này, các game thủ Việt chắc chắn sẽ nhớ đến tựa game chiến thuật lừng danh Command & Conquer Red Alert 2 và bản mở rộng Yuri’s Revenge. Cùng với đó, Westwood đã hợp tác với Disney để phát triển tựa game hành động platformer The Lion King (Vua Sư Tử) phiên bản DOS.
Mặc dù đạt được nhiều thành công với Command & Conquer, song Westwood Studios không tồn tại được lâu khi đại gia EA mua lại toàn bộ studio vào tháng 8 năm 1998. Tập đoàn đã trở nên độc đoán hơn trong việc điều khiển nội dung, cũng như thúc ép studio phải hoàn thành dự án trong thời gian quá ngắn. Nhiều ý tưởng hay mà Westwood từng ấp ủ liên tục bị EA từ chối thẳng thừng, trong khi không ít game như Command & Conquer Tiberian Sun được phát hành trong tình trạng vội vã và không hoàn thiện. Cuối cùng, studio chính thức bị xóa sổ vào năm 2003, giữa lúc vẫn đang phát triển dự án MMO Earth & Beyond. Bản quyền phát triển Command & Conquer và khoảng 1/3 nhân sự của Westwood sau đó được chuyển về cho EA Los Angeles; trong khi số ít nhân viên còn lại đã tập hợp với nhau và sáng lập nên hãng phát triển độc lập Petroglyph Games.
3. EA Los Angeles
EA Los Angeles này có một lịch sử tương đối đặc biệt khi được sáng lập vào năm 1995 dưới cái tên ban đầu DreamWorks Interactive. Studio này là liên doanh giữa hãng phim DreamWorks SKG và tập đoàn Microsoft với mục đích ban đầu là làm các tựa game ăn theo các phim bom tấn lúc bấy giờ. Tuy nhiên, DreamWorks Interactive đã tạo nên một bước đột phá khi phát triển thành công tựa game bắn súng Medal of Honor trên PlayStation vào năm 1999. Đây cũng là một trong những tựa game được thiết kế bởi chính đạo diễn điện ảnh lừng danh Steven Spielberg. Ngay lập tức, EA đã quyết định mua lại toàn bộ studio vào năm 2000 và đổi tên thành EA Los Angeles.
Trong suốt khoảng thời gian từ 2000 đến 2010, EA Los Angeles đã liên tục làm các phiên bản tiếp theo của series Medal of Honor, cũng như tiếp nhận bản quyền phát triển Command & Conquer từ tay Westwood. Nhiều tựa game do studio sản xuất như Command & Conquer Generals, Medal of Honor Pacific Assault, The Battle for Middle-Earth, Command & Conquer 3 được đánh giá rất cao về mặt chuyên môn và đem lại nguồn doanh thu lớn cho EA. Cùng với đó, đạo diễn Steven Spielberg cũng để lại dấu ấn của mình với series game xếp hình sáng tạo Boom Blox.
Tuy nhiên, EA Los Angeles vẫn không tránh khỏi thời kỳ đi xuống, bắt đầu từ cuộc thử nghiệm mang tên Command & Conquer 4 với phản ứng trái chiều từ cộng đồng game quốc tế. Studio sau đó được đổi tên thành Danger Close Games và cố gắng hồi sinh lại series Medal of Honor bằng bối cảnh chiến tranh hiện đại. Thế nhưng, doanh thu bết bát của Medal of Honor Warfighter đã khiến EA quyết định làm một cuộc cải tổ bằng cách sáp nhập Danger Close Games thành một bộ phận của EA DICE, xóa sổ studio với tư cách đơn vị phát triển độc lập.
4. Maxis
Khi nhắc về cái tên Maxis thì nhiều game thủ chắc chắn sẽ liên tưởng ngay đến 2 series huyền thoại The Sims và SimCity. Được thành lập vào năm 1987 bởi Will Wright và Jeff Braun, studio ngay từ những năm đầu tiên đã đạt được thành công vang dội với sản phẩm đầu tay SimCity. Ngay sau đó, Maxis mở rộng thị trường thể loại xây dựng mô phỏng với nhiều yếu tố xã hội khác nhau, tiêu biểu là các tựa game như SimEarth, SimLife, SimFarm, SimTown, v.v. Tuy nhiên, những game về sau như SimCopter bị thất bại về mặt doanh thu, khiến studio rơi vào khoảng thời gian tương đối lao đao. Đây cũng là lúc tập đoàn EA bước vào và mua lại toàn bộ cổ phiếu Maxis với tổng giá trị lên đến 125 triệu đô-la Mỹ.
Trong những năm đầu tiên sau khi được mua lại, Maxis tiếp tục phát triển thêm các phiên bản kế tiếp của SimCity như SimCity 3000 và SimCity 4. Nhưng bước ngoặt thực sự của studio chính là việc ra đời series game mô phỏng cuộc sống The Sims. Với cơ chế gameplay được mô tả không khác gì chơi đồ hàng, The Sims ban đầu bị coi là một canh bạc đầy rủi ro khi khó tiếp cận được thị trường. Tuy nhiên, series đã vượt qua được hoài nghi từ dư luận để trở thành một trong những thương hiệu game PC bán chạy nhất mọi thời đại với số lượng bán ra lên đến 200 triệu bản.
Mặc dù những năm về sau tiếp tục gặt hái thành công với Spore và The Sims 3, song Maxis vẫn không tránh khỏi giai đoạn thoái trào khi gặp phải nhiều vấn đề trong chiến lược phát triển. Thị trường game trên di động đầy màu mỡ đã thúc đẩy ý định của EA trong việc mở rộng vai trò hệ máy điện thoại thông minh lên các studio của mình. Cùng với đó, những phản ứng dữ dội từ cộng đồng game với màn ra mắt thảm họa SimCity (2013) và scandal bớt xén tính năng trong The Sims 4 đã khiến tương lai của Maxis trở nên mịt mù hơn. Việc phát triển game trên hệ máy PC truyền thống gần như bị hạn chế khi chỉ làm các gói mở rộng DLC cho The Sims 4. Đến tháng 3 năm 2015, trụ sở studio đặt tại thành phố Emeryville chính thức bị đóng cửa, trong khi các nhân viên được sáp nhập chung với đơn vị EA Mobile. Khi đó, Maxis chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa là một khối bao gồm The Sims Studio (trước kia là EA Redwood Shores), EA Salt Lake, và Maxis Helsinki (phát triển game di động).
5. Pandemic Studio
Mặc dù chỉ chung mái nhà với EA trong vòng chưa đến 3 năm, nhưng Pandemic Studios vẫn là chủ đề được nhiều game thủ bàn tán với cảm xúc tiếc nuối. Studio được thành lập vào năm 1998 bởi các nhân sự đã từng làm việc tại tập đoàn Activision và thực hiện một số dự án tiếp nối các thương hiệu của hãng như Battlezone và Dark Reign. Tuy nhiên, Pandemic lại được biết đến nhiều với vai trò là cha đẻ của series Star Wars Battlefront. Được coi là một dạng “clone” Battlefield kết hợp với Star Wars, series đã chiếm một lượng tình rất lớn từ game thủ bởi thiết kế nhân vật, vũ khí, phương tiện chiến đâu, và bản đồ tương đối chân thực và sát với bối cảnh phim lúc bấy giờ. Cùng với đó, studio thực hiện thêm hai series dự án khác gây tiếng vang trong cộng đồng game như Full Spectrum Warrior và Mercenaries. Hãng cũng từng phát triển tựa game dựa theo phần hai loạt phim Người Dơi mang tên The Dark Night (Hiệp sĩ Bóng đêm) trên hệ máy PS3, nhưng về sau bị chấm dứt dự án khi studio bị giải tán.
Sau một khoảng thời gian hợp tác với LucasArts và THQ, Pandemic được tập đoàn EA mua lại toàn bộ vào năm 2007 với dự án đầu tiên là phần tiếp theo của series Mercenaries. Nhưng thật không may cho studio bởi đây cũng là khoảng thời gian bùng phát cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, dẫn đến sự sụp đổ của rất nhiều công ty. Giữa cơn bão khủng hoảng như vậy, Pandemic vẫn thực hiện thêm một số dự án game khác và cho ra mắt hai tựa game The Lord of the Rings Conquest và The Saboteur. Tuy vậy, tập đoàn EA vẫn thực hiện các động thái giải tán studio, bắt đầu từ việc đóng cửa trụ sở tại Úc vào tháng 2 năm 2009. Đến tháng 11 năm 2009, hãng quyết định xóa sổ Pandemic và sa thải 228 nhân viên của studio, trong khi chỉ giữ lại 35 nhân viên bằng cách thuyên chuyển về EA Los Angeles. Số nhân viên còn lại hiện nay đều đang làm việc tại nhiều hãng game khác nhau như 343 Industries, Infinity Ward, Treyarch, và Respawn Entertainment. Bản quyền thương hiệu Star Wars Battlefront về sau đã được chuyển về tay của DICE sau khi tập đoàn Disney nhượng lại quyền phát triển game cho EA.